Làm thế nào để lựa chọn đúng đầu đọc thẻ RFID UHF?
Lựa chọn một đầu đọc thẻ RFID phù hợp khi xây dựng một hệ thống RFID luôn là vấn đề quan trọng. Các loại đầu đọc thẻ UHF khác nhau cũng luôn có những tính năng độc đáo khác nhau và cần phải xem xét trước khi triển khai. Tuy nhiên, để lựa chọn được đầu đọc phù hợp, mời các bạn cùng Nhật Minh xem xét một số yếu tố cơ bản sau đây.
Số lượng cổng ăng ten
Số lượng điểm đọc cần thiết sẽ tùy thuộc vào ứng dụng và khả năng mở rộng của ứng dụng đó. Khi ứng dụng cần sử dụng bao nhiêu ăng ten RFID thì sẽ cần có một đầu đọc thẻ RFID có bấy nhiều cổng ăng ten. Chính vì thế, số lượng cổng ăng ten có sẵn trên đầu đọc phải được tính đến khi lựa chọn. Thông thường các đầu đọc có một số tùy chọn 1 cổng, 2 cổng, 4 cổng hoặc 8 cổng. Một số loại ví dụ như Đầu đọc Impinj R420 kết hợp với bộ thiết bị mở rộng Antenna Hub có thể sử dụng số lượng ăng ten RFID lên đến 32 chiếc.
Phương thức kết nối
Nếu ứng dụng, giải pháp RFID của bạn không yêu cầu đầu đọc phải kết nối mạng thì các đầu đọc thẻ RFID có thể kết nối trực tiếp với máy tính thông qua cáp RS-232, cáp Ethernet hay cáp USB.
Nếu ứng dụng yêu cầu các đầu đọc phải được kết nối mạng thì có thể sử dụng các kết nối như Ethernet hoặc Wifi. Trong trường hợp ứng dụng có nhiều đầu đọc thẻ RFID thì việc sử dụng kết nối LAN cũng phần nào giảm được chi phí triển khai, vì một máy tính có thể điều khiển được nhiều đầu đọc cùng 1 lúc thông qua LAN thay vì mỗi một đầu đọc sẽ cần một máy tính riêng để xử lý.
Nguồn điện cho đầu đọc thẻ RFID
Nguồn cấp điện cho đầu đọc luôn là yếu tố quan trọng cần kiểm tra khi lựa chọn đầu đọc thẻ RFID. Trong một số ứng dụng thực tế khi triển khai, tại các điểm lắp đặt đầu đọc không có nguồn điện, điều này thu hẹp các sự lựa chọn lại một cách đáng kể. Đầu đọc thẻ RFID sẽ thường có những loại cấp nguồn điện như sau:
Sử dụng AC Adapter – Đây là cách phổ biến nhất để kết nối nguồn cho đầu đọc bằng cách kết nối trực tiếp với nguồn điện thông qua bộ chuyển nguồn. Trước khi sử dụng phương án này, cần xem ổ cắm điện có gần nơi lắp đặt đầu đọc hay không.
PoE (Power over Ethernet – nguồn qua Ethernet) – Đây cũng là cách phổ biến để cấp nguồn cho đầu đọc. PoE sử dụng cáp Ethernet để cấp nguồn cũng như gửi và nhận dữ liệu. Ưu điểm của PoE so với sử dụng nguồn điện là không cần đến nguồn cấp điện tại nơi lắp đặt đầu đọc.
Pin – là loại nguồn cấp điện phổ biến cho các loại đầu đọc di động
Sạc trên xe – Một số loại đầu đọc có giải pháp sử dụng nguồn điện được cung cấp sẵn trên xe nâng, xe tải..
Các kết nối đầu vào và đầu ra – GPIO
Các tín hiệu đầu vào hay đầu ra của đầu đọc thẻ RFID để điều khiển hay vận vạch các thiết bị tùy chọn bên ngoài như cột đèn tín hiệu, cảm biến chuyển động,v..v..
Các tín hiệu đầu vào (GPI) ví dụ như các loại cảm biến chuyển động có thể ra lệnh cho đầu đọc hoạt động mỗi khi phát hiện có chuyển động đi qua.
Các tín hiệu đầu ra (GPO) ví dụ như bật đèn cảnh báo hay bật tín hiệu âm thanh khi đầu đọc đang đọc.
Tần số hoạt động
Các quốc gia đều có quy định riêng về việc sử dụng tần số RFID UHF và để triển khai một hệ thống RFID, điều quan trọng là phải chọn đúng một đầu đọc thẻ RFID UHF hoạt động theo đúng quy tắc của quốc gia đó. Ở Việt Nam, các đầu đọc thẻ UHF có thể truyền ở tần số 902-928MHz.
Các loại đầu đọc thẻ RFID UHF
Đầu đọc thẻ RFID UHF có rất nhiều loại và mẫu mã khác nhau, tuy nhiên người dùng cần xác định rõ nhu cầu sử dụng mà lựa chọn cho ứng dụng của mình một loại đầu đọc phù hợp.
Đầu đọc thẻ RFID UHF cố định
Đầu đọc cố định thường được sử dụng khi ứng dụng cần lắp đặt nhiều ăng ten RFID. Sử dụng loại đầu đọc này khi cần một vùng phủ sóng rộng hay đọc một lượng lớn các thẻ RFID.
Đầu đọc thẻ RFID tích hợp
Đầu đọc tích hợp là những loại đầu đọc với ăng ten RFID được kết nối liền mạch thành một thiết bị duy nhất. Các ứng dụng yêu cầu vùng phủ sóng nhỏ, đọc số lượng thẻ RFID không nhiều có thể sử dụng thiết bị này bởi vì nó dễ dàng triển khai và lắp đặt
Đầu đọc thẻ RFID để bàn
Đầu đọc để bàn cũng được tích hợp sẵn ăng ten RFID và được cấp nguồn cũng như điều khiển trực tiếp thông qua kết nối USB. Nó có thể đọc / ghi thẻ một cách nhanh chóng và dễ dàng thông qua máy tính để bàn. Đầu đọc để bàn thường có khoảng cách đọc thẻ RFID từ 5 đến 30cm, phù hợp cho các ứng dụng cần đọc số lượng ít thẻ một cách chính xác ở phạm vi gần.